Bài đăng phổ biến

Thứ Hai, 10 tháng 12, 2018

TRADE MARKETING LÀ GÌ?



Trade marketing là gì?
Trade marketing là một bộ phận làm trung gian cho phòng sales và phòng marketing của doanh nghiệp. Phòng sales thì lo đẩy hàng từ công ty xuống nhà phân phối, còn phòng marketing có nhiệm vụ kéo người tiêu dùng đến mua. Riêng phòng trade marketing thì thực hiện các biện pháp để khách hàng nhận biết sản phẩm tại cửa hàng tốt nhất (tiếp đón người tiêu dùng).
Xuất hiện ở Việt Nam muộn hơn marketing và sales (bán hàng), nhưng đến nay, khái niệm trade marketing (tiếp thị thương mại) đã trở thành công cụ cạnh tranh hữu hiệu của doanh nghiệp trên mặt trận phân phối sản phẩm thông qua các đơn vị trung gian. Nếu marketing nhắm đến khách hàng mục tiêu qua các phương tiện truyền thông, thì trade marketing lại quan tâm đến người tiêu dùng và người bán hàng tại điểm bán sản phẩm.
Tư duy về khu vực mua hàng
Song song với việc thực hiện các chính sách chiết khấu, thưởng theo chỉ tiêu doanh thu cho điểm bán hàng, hiện nay doanh nghiệp đã nỗ lực trong việc hỗ trợ các hoạt động quảng cáo, khuyến mãi...- gọi chung là trade marketing.
Đối với phòng sales, hàng không có sẵn tại điểm bán thì không bán được. Còn đối với phòng trade marketing, dù hàng có sẵn tại điểm bán, nhưng không sẵn sàng trưng bày cho khách hàng tiếp cận thì vẫn không bán được. Do vậy, các chương trình trưng bày sản phẩm có thưởng, triển khai các vật phẩm quảng cáo dành cho nhà phân phối hay các đại lý là trách nhiệm của trade marketing.
Hoạt động trade marketing gắn liền với chiến lược phân phối của doanh nghiệp, mỗi chiến lược phân phối khác nhau sẽ quyết định các phương pháp triển khai trade marketing khác nhau.
Khu vực mua hàng (Point Of Purchase - POPs) là nơi mà người mua ra quyết định mua. Trong thương mại truyền thống, POPs nhìn chung là thụ động, hoạt động như một ống dẫn để di chuyển sản phẩm từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng. Ngày nay, hiểu biết và tác động đến các POPs là rất quan trọng, nhằm làm cho thương hiệu luôn được lựa chọn.
Mục đích của việc tác động đến POPs là để đảm bảo rằng trước khi hoặc tại khi người mua ra quyết định mua hàng, thương hiệu sản phẩm của công ty sẽ được nhắc đến nhiều hơn những đối thủ cạnh tranh.
Nơi diễn ra quyết định mua hàng thường là quầy - kệ chính cố định, đầu kệ, nơi tính tiền, ụ trưng bày... Khu vực mua hàng ảnh hưởng lớn đến sự thành công hay thất bại của các hoạt động marketing.
Chiến thắng ở khu vực mua hàng là chìa khóa thành công của nhãn hàng. Việc đặt sản phẩm ở đúng nơi và đúng vị trí là việc quan trọng hàng đầu để giành lấy những khách hàng trung thành.
Doanh nghiệp có thể giành chiến thắng tại điểm mua hàng bằng cách phát huy tối đa cơ hội để người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm. Chẳng hạn, tối đa hóa cơ hội bằng cách đặt đúng sản phẩm, đúng bao bì, mức giá thích hợp tại đúng cửa hiệu, ở đúng tầm nhìn của người mua hàng.
Cuộc đua giành “cứ điểm” và “cắm cờ”
Tại điểm bán hàng, một sản phẩm chỉ có vài giây để thu hút sự chú ý của người mua. Do đó, yếu tố quan trọng hàng đầu trong trưng bày là sản phẩm phải được nhìn thấy dễ dàng. Muốn vậy, trước tiên phải chọn đúng vị trí. Cho dù sản phẩm của doanh nghiệp có bao bì bắt mắt, nhưng nếu để sai vị trí thì cũng không có cơ hội được nhìn thấy.
Vị trí lý tưởng nhất là ngang tầm mắt của người tiêu dùng. Ngoại trừ sản phẩm của một thương hiệu thuộc dạng “sốt” hàng, người mua sẽ không tự tìm kiếm những sản phẩm ở tận trên đỉnh hoặc dưới đáy của quầy hàng.
Vị trí trưng bày tốt tại cửa hiệu được ví như loại “bất động sản đặc biệt” có giá trị lớn. Các doanh nghiệp đang đua tranh để tìm được vị trí đẹp, vị trí “đắc địa” nhằm tiếp cận nhanh nhất khách hàng khi họ bước vào cửa tiệm. Từ việc đặt mua chỗ ở từng cửa hiệu đến việc chi trả cho công tác trưng bày ngày càng được quan tâm, làm cho ngân sách trade marketing ngày càng tăng.
Cuộc đua giành “cứ điểm” tại cửa hiệu và “cắm cờ” (trưng bày sản phẩm) vốn là công việc không được phép mệt mỏi của đội ngũ sales và trade marketing.
Ấn tượng đầu tiên là một lợi thế khi người mua tiếp cận sản phẩm tại điểm bán. Tại điểm bán, doanh nghiệp phải sử dụng các phương tiện trưng bày và nghệ thuật sắp đặt để quảng bá cho sản phẩm hoặc thương hiệu.
Hoạt động này giúp củng cố quyết định của người mua theo hướng có lợi cho nhà bán lẻ, và đóng vai trò rất lớn trong thành công chung của thương hiệu một chương trình tiếp thị và nhà bán lẻ.
Theo Ogilvy Action, một công bố vào tháng 11/2008 cho thấy, trên 6.000 người tiêu dùng tại Mỹ nhận định rằng việc trưng bày bên trong cửa hàng có hiệu quả hơn cả giảm giá.
Trong số 29% người mua hàng một cách ngẫu nhiên, có đến 18% cho biết họ bị ảnh hưởng bởi sự trưng bày trong cửa hàng, 24% bị lôi kéo bởi việc trưng bày ở các dãy kệ bên ngoài, chỉ 17% là bị tác động bởi chính sách khuyến mãi, giảm giá.
Còn trong số 39% người mua hàng có ý định từ trước và quyết định chọn mua tại cửa hiệu, có 31% bị ảnh hưởng bởi việc trưng bày trong cửa hàng, chỉ 28% bị ảnh hưởng bởi khuyến mãi và giảm giá...
Bắt đầu từ thói quen tiêu dùng
Thói quen của người tiêu dùng (đặc biệt là phụ nữ) là thường quyết định mua hàng mới tại điểm bán (dù trước đó không có nhu cầu). Vậy nên, việc đưa ra các quyết định trưng bày hàng hóa hợp lý sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng khi họ lựa chọn sản phẩm cần thiết.
Tại Việt Nam, người tiêu dùng thường lựa chọn sản phẩm theo trình tự: nhãn hàng, chủng loại, kích thước bao bì..., do vậy, các sản phẩm cần được trưng bày theo cách mà họ mong muốn.
Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Ac-Neilson, năm 2008, người Việt Nam vẫn còn thói quen đi chợ mỗi ngày, và chỉ đi siêu thị bình quân 2 lần/tháng. Thời gian mua sắm phổ biến nhất là 8:00-9:00 sáng. 51% người được hỏi cho biết họ dành hơn 30 phút cho mỗi lần mua sắm, 39% người dành từ 30-60 phút và chỉ 9% người sẵn sàng mua sắm hơn 1 giờ.
Bên cạnh đó, việc tiện đường cũng là một yếu tố quan trọng cho người tiêu dùng. Đa số người tiêu dùng đi mua hàng một mình (82%). 59% người được hỏi mua hàng mỗi ngày... Những thông tin này khá quan trọng cho phòng trade marketing khi thiết kế các chương trình trưng bày hay khuyến mãi dành cho người tiêu dùng tại điểm bán.
Và chương trình hỗ trợ bán hàng
Với trade marketing, dù là hỗ trợ tung sản phẩm mới hay thực hiện chiến lược bao phủ lần đầu ra thị trường, đều cần đến các chương trình hỗ trợ bán hàng, đặc biệt là các vật dụng quảng cáo cần thiết.
Các vật phẩm bán hàng được xem là “bộ đồ nghề” của sales, là phương tiện trung gian thuyết phục khách hàng quyết định mua sản phẩm. Chính vì vậy, khi thiết kế vật phẩm bán hàng không nên sơ sài, làm cho có, mà phải lấy ấn tượng ban đầu của người tiêu dùng làm trọng để có những thiết kế phù hợp. Đối với các doanh nghiệp nhỏ, ngân sách ít thì làm ít, nhưng không được đại khái, qua loa...
Thêm một hoạt động không thể thiếu nữa là khuyến mãi cho cửa hiệu, nhằm gia tăng độ bao phủ, giảm lượng hàng tồn kho và ứng phó với đối thủ cạnh tranh.
Dĩ nhiên, việc khuyến mãi đối với kênh phân phối không dễ dàng, đòi hỏi doanh nghiệp phải trả lời hàng loạt câu hỏi, như khuyến mãi vào lúc nào, khuyến mãi cái gì, khuyến mãi như thế nào, khuyến mãi để đạt doanh số bao nhiêu...; làm thế nào để người tiêu dùng nhận biết được chương trình khuyến mãi, yếu tố nào giúp tăng doanh số, lợi nhuận...; sản phẩm nào phù hợp với từng chương trình; chương trình khuyến mãi nào giúp tăng lượng khách hàng trung thành cho sản phẩm, các loại hình khuyến mãi nào cho khách hàng không thích giảm giá...
Thực tế cho thấy, khuyến mãi là công cụ hiệu quả, nhưng đồng thời cũng là con dao hai lưỡi trong kinh doanh. Khuyến mãi có thể kích thích cửa hiệu tăng trưởng doanh số, nhưng cũng có thể làm cho sản phẩm hay giá bán trở nên tồi tệ hơn. Chưa hết, việc khuyến mãi về giá cho các sản phẩm mới (hay dẫn đầu thị trường về doanh số) thường làm cho sản phẩm trở nên rẻ tiền trong mắt khách hàng...
Tóm lại, trade marketing là một chuỗi hoạt động marketing hỗ trợ trực tiếp cho bán hàng diễn ra tại điểm bán. Trade marketing sẽ trở thành một công cụ nuôi dưỡng quá trình phân phối, nếu doanh nghiệp biết cách triển khai hiệu quả.
Th.S NGUYỄN THANH TÂM - BrainMark Consulting & Training



Thứ Bảy, 1 tháng 12, 2018

NGƯỜI MÙ LÀM SAO BIẾT CHIA TIỀN?


Gần 12:00 giờ đêm, có hai người đàn ông ngồi cạnh nhau đếm tiền, một người ôm cây đàn, hốc mắt lõm xuống, một người tóc muối tiêu, mở tiền trong cái túi nhỏ bỏ vào nón và đếm.
Tiền 2.000, tiền 5.000, 10.000, 20.000 và thoảng có vài tờ 50.000 hay 100.000. Tôi đi bộ ngang nên cứ nghe và thấy được vài điều vài câu.
“Hôm nay người ta đi nhậu nhiều ông ạh”
“Uh, gần Tết nên Tất niên vui vẻ”
“Vui nên có mấy khách cũng cho sộp lắm”
“Uh, tôi cũng mong có kha khá mua mấy món Tết cho mấy đứa nhỏ”
Tò mò nên tôi ghé hỏi :
“Hai chú là anh em ạh?”
“Không, hai chú là bạn, ông bạn chú tật nguyền từ nhỏ”
“Rồi chú chở chú này đi hát bao lâu rồi?”
“Chú làm việc ban ngày, ban đêm chở bạn mình đi hát, ai thương thì cho ít cho nhiều, ổng không chịu ngồi đường chờ bố thí, cũng không chịu để người nhà nuôi”
“Hai chú chở nhau đi như vầy bao lâu rồi”
Lúc này chú mù mới nói
“Cũng hai mươi mấy năm rồi con, ổng là đôi mắt, đôi chân đưa chú đến nơi chú có thể hát cho người nghe. Ngày xưa ổng chở chú bằng xe đạp, sau này ổng mua được xe máy thì chở chú bằng xe máy”
“Mỗi ngày hai chú làm xong rồi chia nhau thế nào?” Tôi cũng hơi tò mò
“Được nhiêu chia đôi, chú chịu tiền xăng” chú sáng mắt trả lời.
“Chúc hai chú nhiều sức khoẻ nhé, Tết thật ấm áp bên gia đình”
“Cám ơn cháu, cháu cũng vậy nhé”
Tôi lại đi, một vòng, hai vòng sau, theo thói quen lại nhìn 2 chú. Chợt thấy điều lạ lạ.
Chú sáng mắt dúi vào tay bạn mình một sấp tiền, đa số là tiền 100.000, 50.000 và 20.000
Còn trên tay chú là tiền 10.000 và một số 5.000, 2.000
“Đây phần của ông đây, tôi đã chia đôi rồi đó”
“Cám ơn ông, bao nhiêu năm ông đều giúp tôi đi và chia đều cho tôi”
Mắt tôi chợt cay cay, 😭 “Chia đôi” đâu đồng nghĩa là 2 phần bằng nhau. 😭😭
Người bạn mù thì tin bạn mình hoàn toàn
Người bạn sáng thì muốn cho bạn mình phần hơn.
Sống trên đời phải chăng có những người có rất nhiều tiền, và ở đây có 2 chú là những người THẬT SỰ GIÀU CÓ
Cuộc sống này còn quá nhiều điều tốt đẹp, Tết đang về, đôi mắt ướt mà con tim sao đập rộn rã tình yêu thương con người. 

-Sưu tầm-

Thứ Năm, 29 tháng 11, 2018

VIẾT CHO SINH VIÊN NĂM CUỐI


Qua quá trình giảng dạy và tiếp xúc các bạn sinh viên năm cuối (học kỳ 7) nhiều năm, mình nhận thấy nhiều bạn sinh viên đang bị mất phương hướng, không xác định được mục tiêu trong tương lai…dẫn đến lúc đi thực tập (học kỳ 8) mang tính đối phó, dành thời gian để chơi bời, nghỉ ngơi, “lấy lại những gì đã mất” …và kết quả sau khi tốt nghiệp ra trường tham gia vào đội quân thất nghiệp. Vì vậy, mình xin chia sẻ một số kinh nghiệm với các bạn sinh viên năm cuối sau:

1. Hãy xác định công việc yêu thích của mình trong tương lai
Không ai đánh thuế ước mơ. Các bạn cứ mạnh dạn xác định công việc mình yêu thích trong tương lai. Việc này sẽ làm giúp bạn có động lực để tìm hiểu rõ hơn về công việc đó, những khó khăn mà các bạn sẽ gặp phải, nhà tuyển dụng có những yêu cầu gì với vị trí công việc bạn đang tìm hiểu. Qua đó, bạn sẽ thấy mình còn thiếu những kiến thức, kỹ năng nào, làm cơ sở cho bạn bổ sung, học tập, cập nhật các kiến thức, kỹ năng còn thiếu trong năm cuối.

2. Mạnh dạn đổi nơi thực tập nếu thấy không phù hợp 
Thực tập là cơ hội giúp bạn xem xét và hoàn thiện những kỹ năng, kinh nghiệm cần phải có cho công việc sau này. Nhưng hiện nay, rất nhiều sinh viên đi thực tập mang tính đối phó, chủ yếu xin “đóng dấu” và cũng có nhiều đơn vị thực tập nhận sinh viên thực tập vào làm các công việc mang tính “tạp vụ”… Việc tìm các địa chỉ để thực tập cũng là bước đầu kiểm tra các kỹ năng của sinh viên năm cuối. Do vậy, các bạn cứ mạnh dạn đổi nơi thực tập nếu thấy không phù hợp, có thể nộp đơn xin thực tập tại nhiều nơi và không cảm thấy thất bại khi các đơn vị không nhận mình vào thực tập.

3. Một tinh thần cầu tiến, dám ước mơ, dám thực hiện
Đây là một tính cách quan trọng mà các bạn cần phải có. Thông thường thành công chỉ thực sự đến với những người luôn biết cố gắng vươn lên và có một tinh thần cầu tiến không ngừng trong mọi hoàn cảnh. Chính tinh thần ấy sẽ giúp bạn vượt qua được những khó khăn, thử thách trong giai đoạn “quá độ” của “đời sinh viên” để các bạn dần dần tích lũy được kinh nghiệm, kỹ năng để ngày một hoàn thiện hơn nhằm đáp ứng yêu cầu khi ra trường tìm việc.

4. Chuẩn bị sức khỏe tốt
Sức khỏe là yếu tố khá quan trọng để bạn có thể học tập và làm việc tốt. Trong khi đó, hiện nay rất nhiều sinh viên không quan tâm đến sức khỏe, thức khuya cày smart phone, nhậu nhẹt…, không tập thể dục hàng ngày… Bạn sẽ không có cơ hội để tìm việc và làm được việc nếu không có một sức khỏe tốt và thường xuyên xin nghỉ vì bệnh. Vì vậy, các bạn hãy quan tâm và thường xuyên nâng cao sức khỏe và khả năng chịu áp lực học tập và công việc của mình bằng cách ăn uống đủ chất, tập luyện thể thao hàng ngày và ngủ nghỉ hợp lý.

5. Chuẩn bị hồ sơ tìm việc
Các Bạn cần trang bị cho mình những kỹ năng về việc chuẩn bị một hồ sơ tìm việc sao cho thật chuyên nghiệp và hoàn chỉnh nhất, đặc biệt là hồ sơ online.
Tóm lại, “thất bại trong sự chuẩn bị là chuẩn bị cho sự thất bại”. Một sự chuẩn bị tốt là chuẩn bị cho sự thành công trong tương lai.

TS. Đỗ Phú Trần Tình

Thứ Hai, 26 tháng 11, 2018

7 MÔ HÌNH DOANH THU MÀ BẠN CÓ THỂ THAM KHẢO CHO STARTUP



1. Sản phẩm hoặc dịch vụ là miễn phí, doanh thu đến từ quảng cáo
Đây là mô hình phổ biến trong các Startup công nghệ hiện nay, chẳng hạn như mô hình của Facebook, nơi mà các dịch vụ là miễn phí còn doanh thu lại đến từ quảng cáo thông qua những cú click chuột. Điều này đem lại nhiều lợi ích cho khách hàng nhưng đối với Startup thì không dễ dàng gì, bởi vì bạn phải xây dựng được lượng người dùng tương đối lớn, chấp nhận lợi nhuận thấp trong ngắn hạn và có đủ tiềm lực để phát triển trong thời gian dài.

2. Sản phẩm là miễn phí nhưng phải trả phí dịch vụ

Trong mô hình này, sản phẩm được cho đi miễn phí và khách hàng phải trả tiền cho việc cài đặt, tùy biến theo yêu cầu, đào tạo hướng dẫn sử dụng và các dịch vụ đi kèm …
Ví dụ điển hình cho mô hình này là sản phẩm game: Bạn có thể tải về miễn phí các game mà mình thích nhưng muốn vượt qua các level, lên top nhanh chóng thì phải trả phí để mua vật phẩm, các tính năng nổi trội… Đây là một mô hình doanh thu tốt nhưng bạn cần lưu ý rằng về bản chất thì đó là mô hình kinh doanh dịch vụ trong đó sản phẩm được tính như là một phần của chi phí marketing.

3. Mô hình “Freemium”

Đây là một dạng biến thể của mô hình miễn phí về sản phẩm, dịch vụ được một số Startup ưa thích sử dụng như Linkedln chẳng hạn. Trong mô hình này thì các sản phẩm, dịch vụ cơ bản là miễn phí nhưng nếu bạn muốn sử dụng sản phẩm, dịch vụ cao cấp hơn thì phải trả một khoản phí bổ sung.
Trong khi Skype cho phép sử dụng dịch vụ thoại miễn phí đối với những người sử dụng (với chất lượng khá tốt) và thu tiền đối với các dịch vụ Premium (Voice over Interner) thì Flickr lại cho upload ảnh miễn phí với số lượng tốt đa là 200 tấm ảnh và dung lượng không quá 20 MB/tháng còn nếu nâng cấp lên Pro, người dùng có thể upload ảnh không giới hạn.
Mô hình “ Freemium” này cũng đòi hỏi khoản đầu tư lớn để có được số lượng người dùng cần thiết, và phải khiến khách hàng nhận thấy được lợi ích của họ khi sử dụng những dịch vụ cao cấp hơn so với dịch vụ cơ bản.

4. Mô hình dựa trên chi phí
Trong mô hình định giá sản phẩm truyền thống này, giá được đặt ở mức 2 đến 5 lần so với giá thành sản phẩm. Nếu sản phẩm của bạn là một mặt hàng, tỷ suất lợi nhuận có thể ở mức 10%. Mục tiêu của mô hình này là giảm thiểu chi phí sản xuất xuống mức tối thiểu, cạnh tranh bằng chiến lược giá, nhằm thu lợi nhuận ở mức cao nhất. Lời khuyên là hãy sử dụng mô hình này khi bạn sỡ hữu công nghệ có thể giúp chi phí sản xuất ở mức thấp, và bỏ qua mô hình này khi mà có quá nhiều đối thủ cạnh tranh trong thị trường.

5. Mô hình giá trị gia tăng
Mô hình này đề cao việc cung cấp các sản phẩm dịch vụ để đáp áp được tối đa các nhu cầu của khách hàng hiện tại và tiềm năng bằng cách tạo ra những sản phẩm hữu ích, cung cấp các dịch vụ làm thỏa mãn khách hàng. Tuy nhiên, mô hình này tiềm ẩn nguy cơ làm tăng chi phí, giảm lợi nhuận nếu không tính được đúng giá tương xứng với giá trị đã chuyển giao cho khách hàng.

6. Mô hình giá theo danh mục
Phù hợp nếu bạn có nhiều sản phẩm và dịch vụ, với mỗi mức phí và tiện ích khác nhau. Với việc đa dạng hóa các loại sản phẩm, đưa ra những mức giá khác nhau, doanh thu của các bạn sẽ đến từ nhiều nguồn hơn, tỉ lệ rủi ro cũng giảm bớt hơn. Ở đây, mục tiêu của bạn là thu lợi nhuận với các dòng sản phẩm khác nhau, một số ở thị trường cấp cao, một số ở thị trường cấp thấp, tùy thuộc vào đối thủ cạnh tranh, giá trị chuyển giao, khách hàng trung thành…

7. Mô hình kiểu “dao cạo”
Mô hình này được hiểu là ban đầu bán một sản phẩm với mức giá thấp để tạo doanh thu từ các sản phẩm bổ sung mà nó đòi hỏi phải có kèm theo. Thuật ngữ này có nguồn gốc từ các ví dụ điển hình: bán dao cạo giá rẻ để lấy doanh thu từ việc bán lưỡi dao. Một ví dụ khác, trong ngành in, những chiếc máy in được bán với giá rẻ mục đích là tạo doanh thu chủ yếu từ bán được hộp mực in với số lượng lớn.

Theo Twenty.vn




Thứ Hai, 12 tháng 11, 2018

BÀI HỌC CUỘC SỐNG


Khi nghèo khó thì đừng tính toán hay ngại khổ, khi giàu có hãy sống thiện lương, trân quý hiện tại
1. Tỷ phú giàu nhất Hong Kong Lý Gia Thành từng chia sẻ bài học thấm thía về sự giàu nghèo mà ít ai làm được: Khi bạn còn nghèo đừng chỉ ru rú ở nhà, hãy đi ra bên ngoài để gặp gỡ, tìm hiểu cơ hội cho mình. Khi giàu có rồi thì hãy làm ngược lại.
Khi bạn nghèo, hãy tiêu tiền cho người khác, đừng tính toán nhiều. Đó là số tiền bạn nên chi để "mua" được cơ hội cho bản thân. Còn khi đã giàu rồi, hãy học cách để người khác đối xử tốt với bạn. Đó là nghệ thuật sống.
Khi bạn nghèo, đừng ngại quăng mình ra ngoài để người khác tận dụng bạn. Bằng cách đó, bạn sẽ học được kinh nghiệm, biết cách tạo dựng sự nghiệp cho chính mình. Nhưng khi đã có sự nghiệp rồi, hãy bảo vệ mình, đừng để người khác lợi dụng.
2. Khi nghèo thì đừng tính toán, ganh đua với người khác. Đó gọi là "tiền nghèo nhưng chí không nghèo". Dù nghèo cũng đừng quá hà tiện, hãy hào phóng, thoải mái chia sẻ tấm lòng của mình.
Nhưng khi giàu thì bạn phải học cách nhường nhịn và buông bỏ. Đừng khoe khoang sự giàu có, sống phô trương. Hãy nhớ rằng, cuộc sống càng giản đơn, càng tĩnh tại. Đó là nghệ thuật sống tinh tường mà không phải ai cũng có thể hiểu được.
3. Tuổi trẻ là tài sản lớn nhất, phải quý trọng thời gian, đừng sợ nghèo khó, gian nan. Hãy dùng tuổi trẻ để bồi dưỡng bản thân, hiểu được cái gì là đáng quý, biết được thứ nên đầu tư, chỗ nên tiết kiệm. Đó chính là điểm mấu chốt của bài học làm giàu, chìa khóa để thay đổi cuộc đời.
-ST-

Thứ Bảy, 10 tháng 11, 2018

ĐIỂM HÒA VỐN

Khi mở tiệm, cửa hàng kinh doanh mà bạn không nắm rõ điểm hòa vốn để có kế hoạch, mục tiêu tháng, ngày thì xem như bạn giống như một người nhảy xuống hồ nước bơi mà không biết điểm đến ở đâu. Nay tôi chia sẻ các bạn xác định điểm hòa vốn cho kinh doanh dịch vụ theo cách tính đơn giản nhất mà bạn không cần phải là chuyên gia tài chính.
Trước tiên bạn cần có chính xác 3 số liệu gồm: Định phí, biến phí, lợi nhuận trên 1 đơn vị sản phẩm hay dịch vụ.
1.Định phí hàng tháng: 
Là các chi phí cố định hàng tháng dù bạn có bán được sản phẩm hay không bạn vẫn phải chi. Ví dụ như: Thuê mặt bằng, lương nhân viên, điện nước, thuê kho bãi, thuê xe, dịch vụ bảo vệ, rác, PCCC, bảo kê …

2.Biến phí hàng tháng: 
Là các khoảng chi phí biến đổi theo số lượng sản phẩm dịch vụ tiêu thụ trung bình hàng tháng. Có thể hiểu bao gồm: phí hủy hàng, khấu hao tài sản, khấu hao sản phẩm, khuyến mãi, hoa hồng cho bên thứ 3, marketing… Nói chung biến phí này bạn có thể chủ động thay đổi hàng tháng, ngược lại Định phí bạn không thể thay đổi. Bạn có thể gộp chung 2 cái này nếu biến phí hàng tháng của bạn duy trì ổn định. Chú ý là phần biến phí này không tính giá cốt sản phẩm vì tôi sẽ đưa nó vào mục số 3.
3.Lợi nhuận trên 1 dịch vụ:
Bằng giá bán - giá gốc (chi phí sản phẩm DV) - hoa hồng nhân viên (nếu có)
Sau khi có 3 thông số này bạn chỉ cần làm theo công thức sau:
Điểm hòa vốn = (Định phí + Biến phí)/LN 1 dịch vụ
Ví dụ: 1 Spa thực hiện nhiều gói sản phẩm khác nhau, tỷ lệ bán ra các sản phẩm này cũng tương đương nhau.
1. Lợi nhuận trung bình là 500.000 đồng/gói dịch vụ (Giá cốt là 200k, giá bán 700k)
2. Định phí là 64.000.000
3. Biến phí 38.000.000
Vậy điểm hòa vốn = 64.000.000 + 38.000.000/500.000 = 204
Vậy mỗi tháng bạn phải bán ra được 204 gói dịch vụ. Trung bình 1 ngày bạn phải bán là 204/30 = 6,8 dịch vụ (làm tròn 7 gói DV). Bạn hãy làm phép tính lại thử xem đúng không nhé.
(1) Doanh thu 204 gói DV x 700.000 = 142.800.000 đồng
(2)Định phí: 64.000.000
(3)Biến phí: 38.000.000
(4)Giá gốc SPDV: 204 x 200.000 = 40.800.000
(5)Điểm hòa vốn = (1) - (2) - (3) - (4) = 142,8 tr - 64 tr - 38 tr - 40,8 tr = 0
Vậy cứ mổi ngày mà bạn kinh doanh không bán ra được 6,8 gói dịch vụ này xem như bạn ăn không ngon ngủ không yên rồi. Nếu biết cách tính này bạn có thể biết được khả năng lãi hay lỗ trong từng ngày chứ không nhất thiêt đến cuối tháng mới biết lời lỗ. Từ điều này bạn sẽ có kế hoạch thay đổi chiến lược tốt hơn.
Bạn có thể từ điểm hòa vốn này mà thiết lập mục tiêu lợi nhuận mong muốn hàng tháng là bao nhiêu. Ví dụ trường hợp trên bạn muốn 1 tháng lãi 50 triệu thì công thức như sau:
Số DV mục tiêu = (Định phí + Biến phí + 50 triệu)/500.000 = 304. Vậy mỗi tháng bạn phải bán ra 304 gói dịch vụ tương đương 1 ngày phải bán ra 10,1 gói. Nếu thấp hơn số này xem như không đạt chỉ tiêu, vượt số này xem như lãi vượt mong đợi
Sẽ có nhiều ngành kinh doanh khác nhau và tỷ lệ lợi nhuận hoa hồng khác nhau. Trên đây chỉ là 1 ví dụ cơ bản của 1 gói dịch vụ hay 1 sản phẩm cụ thể. Nếu có quá nhiều thì cứ tính mức trung bình lợi nhuận. Nếu bạn là cửa hàng tiện ích hay tạp hóa thì bạn có thể tính LN là tỷ lệ trung bình % trên sp.
Ngoài ra từ cách tính điểm hòa vốn, các bạn có thể tính đến việc tuyển dụng bao nhiêu nhân viên sales và chỉ tiêu giao cho họ là bao nhiêu ...


Thứ Sáu, 9 tháng 11, 2018

5 YẾU TỐ QUYẾT ĐỊNH GIÁ TRỊ CỦA MỘT LY NƯỚC NGON

Chúng ta ai cũng muốn thưởng thức cho mình những ly nước thật ngon nhưng đâu là tiêu chí để đánh giá một ly nước ngon như vậy. Theo mình, 5 yếu tố sau đây được đánh giá là có được một ly nước ngon.
1/ Cảnh quan quán nước.
Tùy vào mỗi quán phục vụ cho từng phân khúc khách hàng riêng mà thiết kế nên phong cách riêng. Chính phong cách quán đó tạo thêm sự hấp dẫn, sự thoải mái trong việc thưởng thức ly nước như ghế, bàn, không gian, quy trình chế biến,..

2/ Thái độ phục vụ.
Sự thân thiện của nhân viên phục vụ ít nhiều cho ta cái thiện cảm. Sự thân thiện ấy cho ta quên đi cảm giác lạc lõng, bơ vơ và tự nhiên chỉ muốn cầm ly nước lên và uống.

3/ Nguyên vật liệu.
Một ly nước ngon thì đương nhiên nguyên vật liệu đóng vai trò quan trọng. Cái này ai cũng biết nhỉ? )

4/ Chính sách giá.
Thật sự mà nói giá thấp hay cao thì nó cũng tùy vào mỗi người nhìn nhận. Vào quán sang trọng mà giá thấp thì chất lượng bị nghi ngờ, vào quán bình dân mà giá cao thì không ai vô. Mà cái này nói cũng khó, tùy vào cảm nhận của mỗi người. Quan trọng mình cảm thấy nó hợp lý, uống đúng tiền nhỉ?? kkk. Tiền nào của nấy!

5/ Nước đá.
Một ly nước ngon ngoài các điều kiện trên thì nước đá đóng vai trò cũng rất quan trong. Một người khách thưởng thức 1 ly nước rất ngon nhưng trong đá có mấy cái sốp nhỏ(do đá truyền thống để trong mấy cái bao không hợp vệ sinh), ngoài ra loại nước đá nhanh tan làm giảm đi chất lượng của nước uống rất nhiều.


Để khắc phục điều đó thì đơn giản thôi mình khắc phục từng vấn đề:
- Xem lượng khách hàng chính mà mình hướng đến là ai để thiết kế cảnh quan phù hợp.
- Huấn luyện, đào tạo cho nhân viên chuyên nghiệp, thân thiên.
- Đầu tư và tuyển chon nguyên vật liệu chất lượng. Pha chế chuyên nghiệp.
- Đưa ra chính sách giá phù hợp.
- Đầu tư máy làm đá tự động cho quán của mình.
-------------------------
More infor: 👉 https://bit.ly/2yvK9AB
#maylamdatudong



Lưu trữ Blog